Do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm không khí trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi mùa hè tới. Tại sao lại như vậy, và tình trạng này có thể gây ra những hệ quả gì, hãy cùng POSO tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
1.Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí mùa hè
1.1: Sóng nhiệt
Sóng nhiệt là khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần. Hiện tượng này hình thành khi không khí tĩnh (ít di chuyển) tại một địa phương hay một vùng. Đặc biệt, hiện tượng này có thể gây ra các bệnh như chuột rút, suy kiệt, đột quỵ do nhiệt…, thậm chí tử vong.
Hiện nay, những tác động của biến đổi khí hậu xuất hiện thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và theo đó, sóng nhiệt sẽ dài hơn trong những ngày hè. Vì vậy, những tác động của sóng nhiệt lên sức khỏe ngày càng gia tăng về tần suất và số lượng người mắc. Biến đổi khí hậu còn làm tăng nhiệt ở các đô thị, từ đó làm tăng nhu cầu về điện trong mùa hè, để dùng máy điều hòa nhiệt độ, quạt… kéo theo tình trạng ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.
1.2: Ozon
Vào mùa hè, bức xạ từ mặt trời mạnh hơn khiến lượng ôzôn ở mặt đất tăng đột biến. Điều này có thể dẫn đến các điều kiện không khí nguy hiểm ở phần dưới của bầu khí quyển, nơi mọi người đang đi lại. Ozon dưới đất có thể gây đau thở, ho, gia tăng các triệu chứng hen suyễn…
Ngoài những lo ngại về sức khỏe này, nồng độ ozon cao làm tăng tốc độ xuất hiện các chất ô nhiễm khác. Lý do là ozon là một loại khí phản ứng, nó có thể tồn tại trong không khí mùa hè tù đọng trong một thời gian dài và trộn lẫn với các chất ô nhiễm khác trong khí quyển, bao gồm cả khí thải xe cộ và nhà máy điện. Quá trình này có thể đặc biệt tồi tệ ở những khu vực có lưu lượng xe cộ cao, như ở các thành phố lớn, nơi lượng nitơ oxit thải vào khí quyển nhiều hơn.
2. Chất lượng không khí mùa hè tại các thành phố lớn ngày càng đáng báo động
Theo dữ liệu thống kê AQI của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh trong tháng 6 và đầu tháng 7 năm ngoái, chỉ số chất lượng không khí đều dao động trong khoảng 51-100 và 101-150 – các mức cảnh báo từ chất lượng khí ở mức trung bình cho đến không tốt cho người nhạy cảm.
Trước đó, năm 2020 ghi nhận một mùa hè nóng đỉnh điểm với mức nhiệt kỷ lục, thử thách sức chịu đựng của con người. Chính vì thế, những đối tượng có sức khỏe yếu như trẻ em, người già được khuyến khích tránh ra ngoài trời nếu như không cần thiết. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận vào tháng 5 trong 59 năm qua tại Hà Nội ở mức 40,9 độ C vào năm 2020. Không khí nóng gay gắt là nguyên nhân gia tăng nhiều bệnh lý hô hấp, tình trạng sốc nhiệt, chóng mặt, kiệt sức, đột quỵ ở các độ tuổi.
Tại Hà Nội, chất lượng không khí vốn ở mức trung bình, kém cùng khí thải từ hoạt động giao thông, sản xuất, xây dựng khiến môi trường vào mùa hè càng trở nên đáng quan ngại. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn không nhìn thấy được lan truyền, phát triển và sinh sôi, trở thành nhân tố ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe con người.
3. Hệ quả của ô nhiễm không khí
Theo nghiên cứu mới được công bố trong tạp chí Environmental Research Letters của Viện Vật lý (IOP), ước tính khoảng 470.000 người chết mỗi năm do sự gia tăng hàm lượng ozone bởi con người gây ra. Ngoài ra, ước tính khoảng 2,1 triệu ca tử vong mỗi năm do con người làm gia tăng nồng độ bụi có kích cỡ nhỏ trong không khí (PM2.5). Những hạt bụi nhỏ li ti này lơ lửng trong không khí và có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ung thư và nhiều bệnh về đường hô hấp.
3.1: Ho và kích thích họng, ngực:
Không khí ô nhiễm có thể gây kích thích hệ hô hấp. Thông thường, những triệu chứng nhẹ chỉ kéo dài vài giờ sau khi bạn tiếp xúc với khói bụi. Tuy nhiên, nếu ozon cao, chúng có thể sẽ tiếp tục làm hại phổi cả sau khi các triệu chứng đã biến mất.
3.2: Gây tổn thương phổi và là nguyên nhân của nhiều bệnh mãn tính
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tiếp xúc với chất ô nhiễm không khí có thể làm tổn thương lớp niêm mạc phổi, thậm chí có thể gây ra ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí cũng là yếu tố khiến vô số bệnh tật như suy hô hấp, tim mạch, ung thư phổi, bệnh võng mạc, biến chứng tâm lý, bệnh Alzheimer, Parkinson,… tiến triển nặng hơn thành những căn bệnh nguy hiểm.
Một điều nữa bạn nên nhớ là, khói bụi sẽ ảnh hưởng khác nhau lên mỗi người, và với một số nhóm người sẽ là nhóm có nguy cơ cao hơn. Trẻ em, người già và người bị hen suyễn cần đặc biệt cẩn trọng trong những ngày nhiều khói bụi.
Như vậy, ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao khi mùa hè đến. Tình trạng này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Ngay lúc này, đầu tư máy lọc không khí sẽ là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe gia đình bạn.